ĐỀ ÁN THÍ ĐIỂM XÂY DỰNG VÙNG NGUYÊN LIỆU NÔNG, LÂM SẢN ĐẠT CHUẨN PHỤC VỤ TIÊU THỤ TRONG NƯỚC VÀ XUẤT KHẨU GIAI ĐOẠN 2022-2025

Sự cần thiết xây dựng Đề án

Phát triển vùng nguyên liệu sản phẩm nông, lâm, thủy sản đạt chuẩn, quy mô tập trung trên cơ sở liên kết bền vững với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hàng hóa, hiện đại, hội nhập quốc tế sâu rộng như hiện nay. Trong bối cảnh nước ta đang đẩy mạnh tiến trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp, vùng nguyên liệu được xác định là điểm khởi đầu và là nền tảng để phát triển các chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản hiệu quả, bền vững. Việc xây dựng được vùng nguyên liệu sẽ là khâu đột phá, giải quyết được các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị. Trên nền tảng này sẽ phát triển hạ tầng sản xuất và kinh doanh phục vụ sản xuất nông nghiệp hàng hóa hiện đại, qua đó thu hút doanh nghiệp đầu tư chế biến, thương mại trong các vùng nguyên liệu nhằm cắt giảm khâu trung gian; giảm chi phí rủi ro trong sản xuất và thương mại sản phẩm, đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất và chất lượng nguyên liệu đầu vào cho chế biến và tiêu thụ; tăng cường giám sát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp. Quản trị vùng nguyên liệu tốt sẽ giúp cải thiện tổ chức sản xuất, ổn định chất lượng sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm giá thành sản phẩm từ đó nâng cao thu nhập cho nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp. Phát triển các vùng nguyên liệu nông nghiệp còn giúp cho Nhà nước dễ dàng trong việc hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại, qua đó giúp cộng đồng nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã, hiệp hội ngành phát triển bền vững. Đồng thời, phát triển vùng nguyên liệu cũng giúp nhà nước thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch sản xuất, linh hoạt trong chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi phù hợp với quy luật cung cầu cho nông sản; qua đó quản lý hiệu quả được nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp.
Sau hơn 08 năm thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” và gần 04 năm thực hiện kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017- 2020, ngành nông nghiệp Việt Nam thời gian qua đã có nhiều tiến bộ đáng kể, sản xuất nông nghiệp đã bước đầu chuyển đổi theo hướng hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung quy mô lớn, chuyên canh nông sản chủ lực (tôm, cá tra, lúa gạo, trái cây, trồng rừng gỗ lớn) gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị nông sản.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, ngành nông nghiệp nói chung và việc phát triển các vùng nguyên liệu nông sản hàng hóa nói riêng vẫn bộc lộ nhiều hạn chế, đó là: i) Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún vẫn là phổ biến; thiếu sự hợp tác, liên kết giữa các hộ nông dân với nhau, hình thành các HTX, tổ, nhóm hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ; ii) Nhiều nhà máy chế biến nông sản được xây dựng nhưng thiếu các vùng nguyên liệu; iii) Một số vùng nguyên liệu đã được hình thành nhưng chưa được tổ chức và quản trị, hạ tầng phục vụ sản xuất và kinh doanh yếu kém, thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã số vùng trồng; chưa xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản nhất là ở các vùng nguyên liệu lớn hàng hóa liên vùng phục vụ chế biến và xuất khẩu; iv) Do chưa hình thành được các vùng nguyên liệu gắn với liên kết phụ vụ chế biến, tiêu thụ với các doanh nghiệp nên việc triển khai các chính sách của nhà nước chưa được thực hiện đồng bộ, nhất là các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp, quản lý chất lượng vùng trồng gắn với liên kết theo chuỗi giá trị.
Tất cả những hạn chế trên đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến chất lượng và tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của nước ta bị hạn chế; hiệu quả sản xuất chưa cao, trong khi rủi ro, lãng phí sản xuất còn cao. Lợi nhuận dành cho các nông hộ nhỏ còn thấp, sự kết hợp chưa chắc chắn giữa chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm; tỷ lệ sản phẩm tổn thất sau thu hoạch còn cao; kinh tế nông nghiệp, kinh tế tuần hoàn chưa phát huy được hiệu quả.
Nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập kinh tế và những thách thức của biến đổi khí hậu ngày càng lớn trong giai đoạn tới đòi hỏi nhà nước cần hỗ trợ hình thành và phát triển các vùng nguyên liệu, gắn kết với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu nông sản, đặc biệt là hình thành được các vùng nguyên liệu quy mô lớn, liên vùng, tập trung, hiện đại và  ổn định lâu dài. Quá đó, tạo động lực, khơi dậy được tiềm năng phát triển cho các địa phương để có thể mở rộng và phát triển các vùng nguyên liệu, góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới thành công.
Để thực hiện mục tiêu đó, Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo xây dựng Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” nhằm thí điểm phát triển 05 vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; thí điểm cơ chế, cách làm trên địa bàn 13 tỉnh trải dài từ Bắc vào Nam với các sản phẩm chủ lực như: cây ăn quả, lúa gạo, cà phê, gỗ lớn rừng trồng giai đoạn 2022-2025, qua đó tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng những mô hình hiệu quả ra cả nước là rất cần thiết.
Đề án thí điểm xây dựng vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025” xem chi tiết tại đây
Thông tin chung về các vùng của Đề án xem chi tiết tại đây
Quyết định 1088 về phê duyệt Đề án vùng nguyên liệu nông, lâm sản đạt chuẩn phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu giai đoạn 2022-2025 xem chi tiết tại đây


© Bản quyền thuộc về Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Đ/c: Số 02 Ngọc Hà, Ba Đình, TP. Hà Nội.

Chịu trách nhiệm: Ông Lê Đức Thịnh - Cục Trưởng

Tel: 024.38438794 / Fax: 024.38438791 / Email: hcth.htx@mard.gov.vn; cucktht@gmail.com

Technology Supported by ECPVietnam

Chung nhan Tin Nhiem Mang